1. Gia đình là nơi chúng ta thuộc về
Vì sao người ta vẫn gọi gia đình là tổ ấm? Bởi đó là nơi mà mỗi người luôn có được cảm giác bình yên, ấm cúng và muốn quay về nhất. Thật khó để truyền đạt hết những điều này cho trí óc non nớt của con trẻ, nhưng bằng những hành động quan tâm và yêu thương, bố mẹ sẽ truyền cho con sự kết nối với gia đình. Và đây chính là nền tảng để xây dựng những giá trị khác. Nó cũng là bước đầu tiên trong quá trình dạy con của mỗi cặp bố mẹ.
2. Tôn trọng lẫn nhau
Sự yêu thương trong gia đình không thể thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Theo truyền thống, những người trẻ tuổi cần phải tôn trọng người lớn tuổi hơn và đến ngay nay, chúng ta có thể yêu cầu một bước xa hơn là người lớn cũng sẽ coi trọng những thành viên nhỏ của gia đình. Thực tế, nếu thiếu đi sự tôn trọng thì tình thương hay lòng trung thành cũng suy giảm mau chóng. Khi tôn trọng những người trong gia đình, bé cũng sẽ học được cách tôn trọng những người khác ngoài xã hội.
3. Tin tưởng và thành thực
Niềm tin và sự trung thực luôn đi cùng với nhau. Thật khó có được niềm tin của người khác nếu cứ tiếp tục nói dối. Và thật khó để trung thực nếu người khác không tin tưởng mình. Trong gia đình, mọi thành viên luôn cần thành thực với nhau và mẹ cần dạy bé những giá trị này từ rất sớm.
4. Tha thứ và quên đi
Sự bao dung chính là một điều làm cho các thành viên trong gia đình luôn yêu thương nhau. Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải sai lầm, kể cả bố, mẹ, ông bà hay bé. Sự tha thứ giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác đau đớn, dằn vặt hay những suy nghĩ tiêu cực. Và thật không hay nếu chúng ta cứ chỉ trích mãi nhũng lỗi lầm đã qua, do đó, quên đi là bước tiếp theo cần phải làm. Để dạy nên một đứa trẻ biết yêu thương, thông cảm cho người khác thì đây là một giá trị mà bố mẹ cần chú ý đến.
5. Trung thành
Cũng giống như giá trị đầu tiên, trung thành với gia đình của mình chính là một giá trị cơ bản và mỗi người có thể có được khi gắn bó và lớn lên trong gia đình đó. Sự trung thành này khiến chúng ta bảo vệ những thành viên khác và luôn có ý thức về việc đem về những lợi ích cho gia đình của mình.
6. Linh hoạt
Mỗi người có lịch trình và những mối quan tâm riêng. Tuy bị ràng buộc bởi những giá trị cốt lõi, trong một số hoàn cảnh cụ thể, mỗi người trong gia đình vẫn nên mềm dẻo trong cách nhìn nhận và ứng xử đối với từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là một bài học tương đối khó đối với trẻ nhỏ, khi cách nhìn nhận của các bé vẫn còn rất đơn giản, trắng là trắng và đen là đen. Bố mẹ có thể dần dần tập cho bé cách suy nghĩ linh hoạt qua từng tình huống cụ thể: Sẽ thế nào nếu bố phải vắng mặt trong bữa tiệc sinh nhật của con vì một nguyên nhân bất khả kháng? Con nên làm gì nếu mẹ nổi nóng và la con?